Trùng tu Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Đừng nuối tiếc những rêu phong!

Posted by Cong ly Bao
5
Jan 13, 2017
161 Views

Tin tức xã hội - Rất nhiều người vô cùng bực tức hỏi rằng vì sao quét vôi Văn Miếu? Họ bảo Văn Miếu-Quốc Tử Giám sẽ mất đi sự cổ kính, nghiêm trang. Thậm chí người ta cho rằng việc làm đó xâm phạm nghiêm trọng đến Di tích quốc gia đặc biệt này.

1. Một buổi sáng, người dân thức giấc, mở trang báo bỗng giật mình bởi thông tin nhiều hạng mục công trình của Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã khoác lên “màu áo mới”. Không ít người nổi nóng, họ sửng cồ với những hình ảnh lạ lẫm của Văn Miếu-Quốc Tử Giám hiện ra trước mắt. Hàng loạt những câu hỏi vì sao lại như vậy, kéo theo hàng loạt những nghi vấn, chỉ trích...
Quét vôi Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Đừng nuối tiếc những rêu phong!
Một trong những hạng mục di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám đã được quét vôi lại
Không ai còn xa lạ gì với cách ứng xử của đám đông trước một sự việc dù là hết sức bình thường. Đã có những ý kiến tranh luận trái chiều, có người đồng tình, có người phản đối nhưng xem ra tán thành thì ít mà gay gắt thì nhiều.
Vì sao người dân lại không tán thành việc quét vôi lại công trình di tích đặc biệt này? Có 2 lý do: Một là, người Việt đã quá ngán ngẩm và dị ứng với những từ ngữ như trùng tu, tôn tạo. Bởi có một thực trạng di tích càng trùng tu, sữa chữa thì càng bất ổn. Có những cổ tự ngàn năm bị “cưa sừng làm nghé”, rồi gia công, mài bóng, đắp vá kiểu thừa giấy vẽ voi làm di tích biến dạng một cách thê thảm.
Hai là, người Việt vốn dĩ hoài cổ. Tâm lý cái gì cũ thì coi là cổ và càng cổ thì càng quý. Họ xuýt xoa với hình ảnh mái ngói tường rêu. Họ sợ làm mới cái cũ, cho nên quét vôi lại di tích là điều khó có thể chấp nhận.
Qua những tranh cãi nảy lửa trên mạng xã hội, trên các trang báo, tôi đồ rằng có rất nhiều người Việt chưa hiểu khái niệm di tích. Xin chép lại một cách nguyên văn “Di tích là dấu vết của quá khứ còn sót lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất có ý nghĩa về mặt văn hóa và lịch sử”. Chiểu theo khái niệm này thì những rong rêu bám trên tường tuyệt nhiên không phải là những thứ thuộc về di tích.
Hơn nữa, bản thân bất kỳ một di tích nào, đều không thể "sinh ra" đã bị phủ rêu phong. Văn Miếu khi được khởi dựng năm 1070 cũng là công trình mới mẻ, được tô vẽ màu sắc. Hẳn nhiên ở thời điểm đó, không ai lại mong muốn những bức tường này nhanh chóng cũ kỹ, rêu mốc như “di tích” bây giờ. Cũng như chúng ta xây một ngôi nhà, ai cũng muốn nó luôn được sáng sủa như mới chứ nào ai muốn cũ đi!?
Có một thực tế phũ phàng giữa lời nói và hành động hay nói cách khác là sự mâu thuẫn khó hiểu của người dân Việt khi đối xử với những cái gọi là di tích. Hình ảnh những đầu rùa nhẵn bóng ở Nhà bia Tiến sĩ và cả những bức hình chen nhau dẫm đạp lên văn bia hồi nào để hòng toại nguyện công danh hẳn chưa ai quên.
Tình trạng tại các công trình di tích khác không được bảo vệ nghiêm ngặt còn tồi tệ hơn. Bôi bẩn, phóng uế, xả rác…không thiếu bất kỳ một hành vi thiếu ý thức nào mà người ta không làm. Và có thể lắm, những người hôm qua còn trèo lên Văn bia thì hôm nay lại châm biếm rằng quét mới lại Văn Miếu là việc làm dại dột.
2. Sau khi những bức xúc của người dân được báo chí phản ánh, trả lời trên các phương tiện truyền thông, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám khẳng định, việc quét vôi lại một số hạng mục của di tích là hoạt động bình thường, thuộc chuyên môn nghiệp vụ của đơn vị và đã được cấp có thẩm quyền đồng ý.
“Màu gốc di tích của một số hạng mục với màu hiện nay là giống nhau, chỉ có khác là những chỗ chưa làm lại thì bị nấm mốc còn những chỗ được quét vôi rồi thì sẽ sáng hơn. Với điều kiện khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, sau một vài trận mưa, một thời gian sau sẽ lại ngả màu và trở lại như xưa. Đến khi quá bẩn thì chúng tôi lại tiến hành quét vôi lại”, ông Kiêu nói.
Rất nhiều nhà khoa học, những nhà quản lý văn hóa đều đưa ra nhận định và ủng hộ việc quét vôi lại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. “Nếu quan niệm việc quét vôi ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám làm mất đi nét cổ kính của di tích này thì đó là quan điểm sai lầm về mặt khoa học…Về mặt thẩm mĩ, màu vôi được quét lại giống với màu của di tích trước đây mà tôi đã thấy”, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định.
Còn GS. TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng: “Việc quét vôi để bảo vệ tường, tránh bị bong tróc, phản cảm…Thêm nữa, việc trùng tu bằng vôi chứ không phải sơn, nên một thời gian sau, màu sẽ trở lại như cũ".
Ở giác độ khoa học dù còn những ý kiến khác nhau nhưng dù sao cũng bác bỏ suy luận đầy mơ hồ rằng quét vôi lại Văn Miếu-Quốc Tử Giám khiến di tích ngót ngàn năm tuổi này trở nên xấu xí, diêm dúa.
Quét vôi Văn Miếu-Quốc Tử Giám: Đừng nuối tiếc những rêu phong!
Cứ mặc định di tích là phải cổ kính, cũ kỹ thì sớm muộn nó cũng thành phế tích
Nói thêm một chút về nghệ thuật kiến trúc và trang trí của người Việt, từ năm 1919, trong bài viết đăng trên Tạp chí Đô thành hiếu cổ, một nhà nghiên cứu người Pháp, giáo sĩ dòng Thừa sai Paris L.Cadière đã nhận xét: “Người An Nam dường như chẳng bao giờ có những dự kiến to lớn. Những cung điện nguy nga, những đền thờ đồ sộ vẫn thường nằm ngoài ý niệm của họ, và cũng như nằm ngoài tầm phương tiện của họ. Nhưng các ngôi chùa nhỏ, các ngôi nhà thấp tối của họ lại được trang trí công phu. Những nóc khuyết, trụ cột, lối ra vào, bình phong và dày đặc mẫu thức trang trí với màu sắc rực rỡ, đôi khi lòe loẹt, nhưng vẫn hài hòa với sắc màu phong cảnh, với sức chói chang của ánh sáng…”. 
Như nhận xét, đặc trưng kiến trúc, đặc biệt là những công trình di tích cổ xưa của Việt Nam là nhỏ, thấp và được trang trí rực rỡ. Hiển nhiên trong ấn tượng của người ngoại quốc, họ coi trọng phong cách kiến trúc và màu sắc chứ không phải là sự bẩn bụi, rêu mốc.
Ở thời điểm này, nếu nhìn nhận nghiêm túc về kiến trúc văn hóa Việt Nam thì một phần đánh giá của L.Cadière đã không còn phù hợp. Bởi nhiều nơi trên lãnh thổ này những công trình xây mới đều đua theo sự nguy nga và hoành tráng. Nhiều công trình kiến trúc bị đập đi xây mới, to hơn, cao hơn nhưng lai căng, vô hồn. Đó cũng là một phần lý do để chúng ta có quyền cảm thông cho sự “xù lông” của dư luận khi Văn Miếu-Quốc Tử Giám được quét vôi lại cho sáng mới. Bởi cái cũ mà không biết cách làm mới rất dễ thành thảm họa.
Thế nhưng, trong câu chuyện quét vôi lại này cần phải nhìn một cách khách quan và rạch ròi thậm chí phải nên thay đổi tư duy. Đừng ép di tích phải khoác lên mình cái áo bám bẩn, loang lổ, rêu mốc và ẩm thấp. Bảo vệ di tích kiểu đó thì sớm muộn di tích cũng sẽ thành phế tích.
Comments
avatar
Please sign in to add comment.